VỢ CHỒNG A PHỦ | Bức tranh chân thực về số phận đau khổ của đồng bào dân tộc miền núi dưới chế độ phong kiến chúa đất

Ngày 30/03/2021 17:52:02, lượt xem: 8050

Đề bài: 

Nhận xét về giá trị hiện thực của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, có ý kiến cho rằng: Truyện là bức tranh chân thực về số phận đau khổ của đồng bào dân tộc miền núi dưới chế độ phong kiến chúa đất.

Bằng việc phân tích tác phẩm, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

 

Hướng dẫn triển khai:

 

MỞ BÀI: - Dẫn dắt giới thiệu tác giả, tác phẩm

               - Trích dẫn nhận định

 

THÂN BÀI

GIỚI THIỆU CHUNG

- Năm 1952, nhà văn Tô Hoài cùng với bộ đội tiến quân vào giải phóng Tây Bắc, đi sâu vào những khu du kích của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi. Tám tháng trời hành quân theo chân những binh đoàn bộ đội, thâm nhập thực tế Tây Bắc đã đem lại cho Tô Hoài những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống của nhân dân miền núi. Hiện thực cuộc sống đau khổ ấy đã đi vào những trang văn của Tô Hoài. Nhà văn Tô Hoài từng tâm sự: “Cái kết quả lớn nhất và trước nhất của chuyến đi tám tháng ấy là đất nước và con người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không bao giờ quên”. “Truyện Tây Bắc” chính là kết quả của chuyến đi tám tháng ấy không bao giờ quên ấy.

- “Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn đặc sắc nhất trong tập “Truyện Tây Bắc”, cũng là một trong những truyện ngắn Việt Nam xuất sắc trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm là bức tranh chân thực về cuộc sống và con người vùng Tây Bắc, tái hiện số phận đau khổ của những người nông dân nghèo miền núi dưới ách áp bức của thực dân, chúa đất phong kiến. Đồng thời, tác phẩm cũng là một bài ca về sức sống và khát vọng tự do của người miền núi, là hình ảnh con đường giải phóng và cuộc đổi đời của họ trong cách mạng.

- Nhận xét về giá trị hiện thực của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, có ý kiến cho rằng: Truyện là bức tranh chân thực về số phận đau khổ của đồng bào dân tộc miền núi dưới chế độ phong kiến chúa đất.Cuộc đời nhân vật Mị và A Phủ là sự phản ánh chân thực, điển hình cho hiện thực cuộc sống, số phận của đồng bào dân tộc miền núi mà Tô Hoài muốn gửi gắm trong tác phẩm.

 

PHÂN TÍCH

I. Giá trị hiện thực trong tác phẩm văn học

*Khái niệm: Giá trị hiện thực là sự miêu tả chân thực hiện thực cuộc sống vật chất/tinh thần của con người và thông qua đó, phần nào thể hiện thái độ phê phán chế độ xã hội cũ hoặc các thế lực áp bức bóc lột...Tác phẩm văn học nào cũng có giá trị hiện thực, vì văn học bắt nguồn từ cuộc sống: hiện thực đời sống sinh hoạt hàng ngày, hiện thực tình cảm, tâm lí…

* Biểu hiện:Hiện thực phản ánh trong tác phẩm thì vô cùng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, nói đến giá trị hiện thực trong một tác phẩm văn học người ta thường đề cập 3 nét chính:

- Phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống cơ cực, nỗi khổ về vật chất hay tinh thần của những con người bé nhỏ, bất hạnh.

- Chỉ ra nguyên nhân gây ra đau khổ cho con người.

- Miêu tả tinh tế vẻ đẹp tiềm ẩn trong con người.

=>Ở mỗi một tác phẩm cụ thể, giá trị hiện thực được biểu hiện đa dạng.

 

II. Chứng minh ý kiến qua truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”

1. Phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống cơ cực, nỗi thống khổ về vật chất và tinh thần của đồng bào miền núi Tây Bắc

a)Nhân vật Mị:

- Mở đầu tác phẩm, tác giả tạo sự chú ý cho độc giả bằng cách để cho Mị xuất hiện trong dáng vẻ của nỗi cùng quẫn bi thương của kiếp người: “Ai ở xa về có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Cách mở đầu ấy đã gợi mở về thân phận của những người lao động trog xã hội cũ mịt mùng không lối thoát.

* Sự đày đọa về vật chất, thể xác:

- Theo tục lệ, cha mẹ Mị không có tiền cưới phải đến vay nhà thống lí Pá Tra, mỗi năm trả lãi một nương ngô. Đến khi mẹ mất, cha già mà nợ kia vẫn còn. Tuy cha Mị không chấp nhận lời đề nghị của thống lí Pá Tra đổi Mị để trừ nợ nhữn A Sử vẫn cướp Mị về làm vợ.

- Mị từ khi sinh ra đã mang theo trên người món nợ truyền kiếp của cha mẹ. Trong một đêm mùa xuân, Mị bị bắt về làm dâu trừ nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Thế là Mị trở thành một món hàng trừ nợ. Hình thức cho vay nặng lãi đã cột chặt bao nhiêu người nghèo vào số phận nô lệ, phụ thuộc vào bọn chủ nợ giàu có.

- Mị không dám phản ứng vì về đạo lí đó là món nợ Mị phải trả như một cái án truyền kiếp mà cô phải gánh lấy từ trong trứng nước. Về phương diện thần quyền, nghĩ rằng mình đã “trình ma” nhà Pá Tra nên Mị chỉ còn biết làm thân trâu ngựa cho đến lúc chết mà thôi.

=> Hành động này tố cáo sự vô nhân đạo của những kẻ nắm quyền lực thời đó. Xã hội đốn mạt đã cho chúng sức mạnh để tác oai tác quái trên số phận người dân nghèo. Chính xã hội thực dân nửa phong kiến đã trao cho bọn chúa đất phong kiến cái quyền hành phi lí đó. Làm dâu gạt nợ nhà thống lí, Mị bị cường quyền và thần quyền đày đọa cả về thể xác và tinh thần.

- Bước chân về, đúng hơn là bị cưỡng bức về nhà thống lí Pá Tra, Mị bị đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần. Là con dâu chỉ trên danh nghĩa, thực chất Mị chỉ là tôi tớ, người suốt ngày quần quật làm ra của cải vật chất cho nhà thống lí Pá Tra. Thân phận Mị, cũng như nhiều phụ nữ trong gia đình ấy không bằng thân trâu ngựa: “Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày”.

* Sự đày đọa về tinh thần:

- Nỗi đau về vật chất đã khủng khiếp, nhưng nỗi đau về tinh thần lại càng khủng khiếp hơn. Nhà văn Tô Hoài vô cùng xót xa trước nỗi khổ tinh thần của Mị. Cái địa ngục khủng khiếp ấy đã biến Mị từ một cô gái trẻ trung, vui tươi, xinh đẹp, yêu đời thành “con rùa lùi lũi nuôi trong xó cửa”, thành “con trâu con ngựa trong chuồng; chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”.

- Những ngày đầu về làm dâu, Mị phản kháng quyết liệt: hàng mấy tháng ròng, đêm nào Mị cũng khóc, Mị định tự tử bằng lá ngón. Nhưng Mị chết đi thì nợ kia vẫn còn. Thương cha, Mị lại tiếp tục cuộc sống làm dâu gạt nợ.

- Lâu dần, chuỗi ngày triền miên những vất vả cực nhọc không dứt đã làm tê liệt cả ý thức về bản thân và những mong muốn thay đổi số phận ở Mị. Giờ đây, Mị an phận và cam chịu thân phận nô lệ trong nhà thống lí. “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa… ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”. Cuộc sống của Mị ở nhà thống lí Pá Tra mỗi ngày lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Mị cam chịu thân phận, chỉ biết ngồi trong cái buồng kín mít, trông ra cửa sổ vuông mờ mờ trăng trắng, “đến bao giờ chết thì thôi”. Mị sống như một cái bóng vật vờ, sống mà như đã chết, không còn cả ý thức về thời gian nữa. Mị không còn nhớ mình về làm dâu nhà Pá Tra bao năm. Ý thức phản kháng trong con người Mị tưởng chừng như đã bị tê liệt.

- Cuộc sống câm lặng nhẫn nhục đã làm Mị chai sạn đi, trở thành cái xác không hồn vật vờ, thành một nữ cô chỉ biết làm việc không ngơi tay, thành kẻ hầu hạ cho chồng mình mà lúc nào cũng có thể bị đánh đập một cách tàn nhẫn không thương tiếc. Ý thức về cuộc sống trong Mị giờ đây đã bị xóa sạch.

- Với cô không còn quá khứ, hiện tại, tương lai, chỉ còn ô cửa sổ bé tí nhờ nhờ thứ ánh sáng thảm hại không biết ngày hay đêm, chỉ còn ánh lửa leo lét làm bạn giữa đêm đông dài giá lạnh. Rồi cái mong ước bình dị được đi chơi tết của Mị cũng bị A Sử phũ phàng dập tắt khi nó vừa mới bừng lên. Trong khi A Sử đi chơi và bắt bao nhiêu cô gái đẹp về làm vợ, Mị không dám nói gì. Dù là vợ A Sử, Mị vẫn bị hắn trói dã man vào cột nhà khi cô vừa nảy ra ý muốn đi chơi Tết như bao phụ nữ đã có chồng khác. Thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội thực dân phong kiến ngày ấy bị coi rẻ quá mức. Người phụ nữ chỉ biết cúi đầu cam chịu. Quyền bình đẳng nam nữ chỉ là một khao khát không bao giờ trở thành hiện thực.

=>Cường quyền và thần quyền nhà thống lí Pá Tra đã giết chết cô gái ấy cả thể xác lẫn tâm hồn. Mị cùng bao cô gái đáng thương khác trong nhà thống lí – như người chị dâu chưa già mà lưng đã còng vì quanh năm phải đeo thồ nặng quá , còn Mị- phải làm việc cực nhọc suốt đêm ngày để phục dịch cho cha con thống lí ăn chơi quanh năm suốt tháng.

b) Nhân vật A Phủ

- Cũng giống như Mị, vì món nợ vô lí suốt đời không thể trả nổi mà A Phủ phải bước chân vào nhà thống lí. Cũng chỉ vì yêu lẽ phải, dũng cảm đánh lại con nhà giàu để bảo vệ công lí mà A Phủ bị bắt phạt vạ một cách bất công. Anh bị bắt, bị đánh đập tàn ác: “Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu. Xong một lượt đánh, kể, chửi, lại hút…Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút…”.Mạng người bị coi rẻ; pháp luật, công lí thuộc về tay kẻ có tiền, có thế lực. Cha con thống lí đã tự cho mình các quyền sinh sát, mặc nhiên ức hiếp , sát hại dân làng.

- Cũng như Mị, A Phủ trở thành cái máy làm việc trong nhà thống lí : “ Đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót,bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một mình rong ruổi ngoài gò, ngoài rừng”. Người ở đợ trừ nợ cho nhà thống lí thì cũng như con trâu, con ngựa vô tri trong chuồng. Thống lí đã dùng việc cho vay nặng lãi để ràng buộc cuộc đời người nông dân, biến họ thành nô lệ, đời đời kiếp kiếp. Thống lí Pá Tra đã tuyên bố: “ Đời mày, đời con, đời cháu mày, tao cũng bắt thế, bao giờ trả hết nợ tao mới thôi”. Cha con thống lí thản nhiên mặc sức hưởng lạc trên mồ hôi công sức người khác. Rồi do nguyên nhân khách quan gặp cơn đói rừng, hổ ăn mất một con bò- đó là chuyện hoàn toàn ở miền núi và A Phủ có khả năng chuộc lại lỗi lầm vậy mà A Phủ vẫn đành phải chấp nhận tự lấy dây, lấy cọc cho thống lí trói mình vào cọc một cách nhục nhã để thế mạng cho con bò bị mất. Số phận đau khổ nghiệt ngã của Mị và A Phủ cũng là số phận của đồng bào Tây Bắc trước cách mạng nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung.

2. Lên án chế độ phong kiến thực dân

- Thống lí là người đứng đầu bộ máy chính quyền ở các bản làng vùng dân tộc. Giàu có, lại dựa vào thế lực của Tây, cha con thống lí Pá Tra tha hồ tác oai tác quái ức hiếp dân lành. Đó là hiện trạng phổ biến xảy ra ở nước ta trước Cách mạng.

- Hình thức bóc lột của bọn chúa đất phong kiến là cho vay nặng lãi để cột chặt kiếp nô lệ của người dân miền núi. Kèm theo việc cho vay nặng lãi là tục lệ cúng trình ma. Khi người dân ngu muội tin vào chuyện ma quái đó thì bọn giàu có độc ác càng có cơ hội nô dịch họ. Một sự thật đau lòng diễn ra không hề cá biệt là khi ái đó liều mình đi vay nợ thì vĩnh viễn số phận họ và cả số phận đời con cháu họ cũng không thể thoát được kiếp ngựa trâu cho bọn nhà giàu. Chính xã hội thực dân nửa phong kiến đã trao cho chúng cái quyền phi lí đó.

- Đây là nguyên nhân trực tiếp gây nên nỗi khổ của những người dân thấp cổ, bé miệng như Mị và A Phủ. Bộ mặt tàn bạo của chúng không chỉ hiện ra qua những hành động đánh đập dã man đối với kẻ ăn người ở trong nhà mà còn qua những lời nguyền rủa rất thâm hiểm: “đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”. Có lẽ đó không chỉ là lời nguyền rủa của một hai cá nhân mà còn là lời nguyền rủa của cả một chế độ xã hội. Bao giờ còn chế độ xã hội đó thì vẫn còn những kẻ ác như Pá Tra và những nạn nhân của hắn như Mị và A Phủ.

3.Tái hiện quy luật đâu tranh xã hội

- Không dừng lại ở việc nắm bắt và phơi bày bản chất của cuộc sống, giá trị hiện thực của tác phẩm còn thể hiện qua cách thức tái hiện quy luật đấu tranh xã hội: có áp bức, có đấu tranh; có thống trị tàn bạo, có vùng lên quật cường.

- Mặc dù ở thân phận nô lệ, tù đày, mặc dù nỗi buồn khổ, tủi nhục đã biến Mị thành một cái bóng lặng lẽ, âm thầm; nhưng trong con người Mị vẫn âm ỉ một khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt. Bởi lẽ, Mị là cô gái ham sống, yêu đời, yêu tự do, khát khao hạnh phúc. Sức sống tiềm tàng mãnh liệt ở Mị dù có bị vùi dập đến kiệt cùng vẫn không lụi tắt. Sức sống ấy chỉ tạm thời bị phủ dưới lớp tro nguội lạnh để chờ cơ hội bùng lên cháy sáng.

- Khi bị đẩy đến cùng đường, trong sự lóe sáng của tình người, con người lương thiện sẽ tự vùng dậy. Cuộc giải thoát của Mị dành cho A Phủ cũng là sự giải thoát cho chính mình. Khởi nguồn của sự giải thoát đó chính là sự đánh thức lương tri của con người khi chứng kiến nỗi bi đát tột cùng của đồng loại.

 

ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Đồng cảm với nối khổ của nhân vật, Tô Hoài đã dành cho Mị nói riêng và con người miền núi Tây Bắc nói chung những trang viết đầy nhân ái trước cảnh ngộ bi thiết và đầy phẫn nộ trước tội ác của những kẻ áp bức tham tàn. Mị và A Phủ - Hai số phận bi thảm là hiện thân của thứ nô lệ của chế độ phong kiến man rợ ở Tây Bác. Nhưng Tô Hoài không dừng lại ở việc phản ánh bản chất tàn bạo, dã man của giai cấp thống trị Tây Bắc, nhà văn còn đi sâu vào bản chất của cuộc sống của dân tộc vùng cao, phản ánh sức sống mãnh liệt của các dân tộc Tây Bắc và sự vùng dậy chiến thắng của các dân tộc Tây Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tác phẩm khép lại bằng cái nhìn lạc quan tin tưởng vào cuộc sống tốt đẹp cho những người bị áp bức.

KẾT BÀI

 

Nguồn: Sưu tầm

 

Để hiểu hơn về toàn bộ các tác giả cùng kiến thức tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12 và nhiều thông tin bổ ích khác nữa hãy nhanh sở hữu bộ SỔ TAY VĂN HỌC nhé! Hãy xem bản đọc thử SỔ TAY VĂN HỌC THƠ và SỔ TAY VĂN HỌC VĂN XUÔI nhé.

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan